image banner
Định hướng cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030

Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cải hành chính nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.

Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030 được trình Hội nghị tổng kết diễn ra chiều ngày 18/3 xác định các định hướng trọng tâm trong cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể:

 

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ hai, nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác cải cách hành chính. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và toàn xã hội để tạo động lực và sự đồng thuận trong xã hội về thực hiện công cuộc cải cách hành chính gắn với thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ ba, về cải cách thể chế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của bộ máy hành chính nhà nước đầy đủ, đồng bộ, hiện đại. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ và vận hành có hiệu quả hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước.

Mặt khác, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Triển khai các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức.

Thứ tư, về cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế kiểm soát thủ tục hành chính theo hướng gắn kết chặt chẽ với xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện kiểm soát thực hiện thủ tục hành chính điện tử.

Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa toàn bộ các quy định liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tháo gỡ mọi rào cản, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Đồng thời, tăng cường giải quyết, gắn với kiểm soát, đánh giá, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, giao dịch thanh toán trực tuyến; đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng phục vụ, gắn với việc đổi mới cơ chế thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông hiện đại, gắn với số hóa hồ sơ, giấy tờ và phi địa giới hóa việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính nội bộ, gắn với việc đẩy mạnh xây dựng nền hành chính phi giấy tờ và công chức điện tử.

Thứ năm, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước , tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức bộ máy gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả.

Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần.

Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.

Thứ sáu, về cải cách chế độ công vụ, đổi mới cơ chế, nâng cao chất lượng tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức. Nghiên cứu triển khai thí điểm chế độ hợp đồng hành chính.

Hoàn thiện quy định về xác định vị trí việc làm của công chức, viên chức làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm công chức, viên chức.

Nghiên cứu, đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Thứ bảy, cải cách tài chính công, tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng. Tăng cường các giải pháp để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa.

Thứ tám, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý và xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cho việc triển khai phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình. Tăng cường đầu tư tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương; chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng điện toán đám mây.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu, tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc. Phát triển, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử các cấp.

Nghiên cứu, xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh.

  • Từ khóa :
Đăng nhập

Bản quyền thuộc UBND xã Lạng Phong Huyện Nho Quan, Tỉnh Ninh Bình

Chịu trách nhiệm:Hoàng Anh Cương - Công chức Văn hóa - Thông tin

Địa chỉ: Thôn Trung Hạ, xã Lạng Phong, Huyện Nho Quan, Ninh Bình

Điện thoại: 0229.386.305

Email: langphong.nhoquan.ninhbinh.gov.vn